Chương 3: Làm chủ quá trình viết

Nuôi dưỡng tư duy viết tích cực giúp bạn tập trung cao độ, thói quen viết tốt giúp bạn cải thiện kỹ năng viết. Và cuối cùng, làm chủ hoàn toàn quá trình viết sẽ giúp bạn gỡ rối, sắp xếp hợp lý bài viết và viết vui vẻ hơn.

Làm chủ quá trình viết giúp bạn biết cách chia nhỏ các dự án thành các bước có thể thực hiện được. Đó có thể là các phần của dự án lớn, các chương của một cuốn ebook, các mô-đun trong một khóa học hay các phần trong một bài viết trên blog. Hoặc bạn cũng có thể chia thành các giai đoạn khác nhau như: giai đoạn tạo ý tưởng, giai đoạn nghiên cứu, lập dàn bài hoặc chỉnh sửa.

1. Quy trình viết

Phần lớn mọi người đều tuân theo một quy trình viết: lập dàn ý, viết bản nháp đầu tiên, chỉnh sửa và xuất bản. Nhưng mỗi người khác nhau sẽ phù hợp với một quy trình riêng của họ. Nên không tồn tại một quy trình hoàn hảo nào dành cho tất cả, những gì hiệu quả với người này nhưng không chắc là sẽ hiệu quả với những người khác. 

Do đó, tôi sẽ giới thiệu đến bạn 2 quy trình viết thường được sử dụng, bạn hoàn toàn có thể thay đổi linh hoạt giữa 2 quy trình này trong quá trình viết bài.

Lập dàn ý trước khi viết

Lập kế hoạch thường là cách dễ nhất để tạo ra nội dung hấp dẫn độc giả. Một dàn ý tốt đơn giản chỉ là một danh sách ngắn các câu hỏi mà bạn muốn trả lời. Đó là danh sách các bước mà người đọc của bạn phải thực hiện để giải quyết vấn đề họ gặp phải hoặc danh sách chi tiết các lập luận tại sao người đọc nên thực hiện theo lời khuyên của bạn. 

Quy trình như sau:

  • Chọn một ý tưởng lớn để viết bài.
  • Lập dàn ý dựa trên ý tưởng lớn đó.
  • Viết bản nháp đầu tiên.
  • Chỉnh sửa từng câu.
  • Đọc lại toàn bài viết.
  • Xuất bản.

Quy trình lập dàn ý trước khi viết thường hiệu quả khi bạn đã có đủ các thông tin trước đó. Việc duy nhất lúc này bạn cần làm chỉ là lựa chọn từ ngữ và xây dựng nhịp điệu cho bài viết đó.

Đặc biệt là khi lập dàn ý, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian vì bạn đã biết trước những gì mình sẽ đưa vào bài viết và những gì bạn sẽ bỏ qua. 

Tuy nhiên, đôi khi trong quá trình bạn viết, bạn bất chợt nảy sinh một ý tưởng hay ho nào đó cần bổ sung. Lúc đó bạn cũng có thể chuyển sang chế độ viết tự do mà không theo dàn ý trước đó.

Viết tự do

Khi viết tự do, bạn bắt đầu bài viết mà không biết nội dung của bạn sẽ kết thúc ở đâu. Bạn cứ phát triển bài viết theo mạch cảm xúc của mình. 

Quá trình này thường hoạt động như sau:

  • Chọn một ý tưởng chính cho bài viết.
  • Bắt đầu viết từ bất cứ ý tưởng nào bạn nghĩ ra.
  • Tìm từ ngữ, xây dựng câu văn và sử dụng bằng chứng xác thực để bảo vệ luận điểm đó của bạn.
  • Sửa đổi nội dung cho phù hợp với ý tưởng chính.
  • Chỉnh sửa từng câu.

Viết tự do sẽ thúc đẩy sự sáng tạo không giới hạn. Lý do là vì bạn không có kế hoạch xác định từ trước, bạn có thể nảy ra những ý tưởng mới, đột phá trong quá trình viết bài. Mặt khác, viết tự do cũng là cách giúp bạn vượt qua những rào cản về tâm lý. Bằng cách viết trôi chảy mà không để ý đến chất lượng bài viết, bạn sẽ nhanh chóng khám phá ra giọng nói của mình và viết với nhiều năng lượng tích cực hơn.

Do đó, khi bạn cảm thấy khó khăn với việc viết một phần nào đó theo dàn ý, bạn có thể chuyển sang chế độ viết tự do bằng cách bắt đầu với một ý tưởng bất kỳ nào đó mà bạn nghĩ ra. Và thông thường, sau một hoặc hai đoạn văn, bạn sẽ dễ dàng quay trở lại với dàn ý định sẵn của mình và hoàn thành bản nháp.

Chỉnh sửa bài viết như thế nào là tốt nhất

Có 2 phương pháp chỉnh sửa cho bài viết đó là: trong khi viết bài hoặc sau khi hoàn thành bài viết.

Hầu hết chúng ta bắt đầu chỉnh sửa bài viết sau khi hoàn thành bản nháp đầu tiên. Chính xác thì đây thường là cách viết nhanh nhất. Nó hoàn toàn phù hợp với người chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa biết rõ điểm đến của bài viết là gì. Bởi vì, nếu chỉnh sửa trong khi viết bạn có thể phải xóa đi những câu bạn vừa mới chỉnh sửa trước đó.

Một vấn đề khác khi vừa viết vừa chỉnh sửa là bạn sẽ đánh mất mạch văn và rất khó để tái tạo lại suy nghĩ của bạn theo luồng suy nghĩ cũ.

Tuy nhiên, nếu bạn là một người có kinh nghiệm viết, đã biết rõ cấu trúc nội dung của mình và có điểm đến cho bài viết của mình, thì việc chỉnh sửa trong khi viết là rất tốt. Việc chỉnh sửa lúc này có thể giúp bạn hoàn thành bài viết nhanh hơn, năng suất viết cao hơn mà vẫn làm sắc nét các ý tưởng trong bài viết của mình.

Ngoài ra, khi mạch viết của bạn bị nghẽn, không phát triển thêm được ý tưởng nào thì bạn có thể áp dụng quy trình chỉnh sửa sau: 

  • Quay trở lại đọc toàn bộ bài viết từ phần tiêu đề.
  • Sau đó chỉnh sửa lại từ ngữ, câu văn để làm rõ ngữ nghĩa hướng đến ý tưởng lớn của bài biết. Điều này sẽ giúp bạn gỡ rối và bạn có thể nghĩ ra ý tưởng mới để viết các phần còn lại.

Bạn có thể nghe ở đâu đó lời khuyên nên viết và chỉnh sửa theo một quy trình cụ thể. Nhưng thực tế thì mỗi người là khác nhau nên những gì phù hợp với người này chưa chắc hiệu quả và phù hợp với người kia. Do đó, lời khuyên của tôi là bạn nên linh hoạt áp dụng cả 3 phương pháp chỉnh sửa:

  • Nếu bạn đã biết rõ thông tin những gì cần đưa vào nội dung thì nên áp dụng phương pháp chỉnh sửa sau khi hoàn thành bài viết.
  • Nếu bạn đang trên hành trình sáng tạo nội dung mà chưa biết điểm đến thì hãy áp dụng phương pháp vừa viết vừa chỉnh sửa.
  • Nếu trong suốt hành trình viết, bạn gặp bế tắc về ý tưởng tiếp theo thì hãy quay trở lại đầu bài viết, đọc lại và bắt đầu chỉnh sửa. 

Tóm lại, đừng tuân theo một quy tắc cứng nhắc nào cả mà hãy linh hoạt trong việc phác thảo, viết tự do và chỉnh sửa để giúp bạn có năng lượng tích cực nhất trong khi sáng tạo nội dung.

2. Khơi gợi suối nguồn ý tưởng

Có bao giờ bạn bí ý tưởng để viết bài mới chưa ?

Nếu bạn từng cố gắng duy trì lịch viết bài 2 hoặc 3 bài mỗi tuần bạn sẽ thấy bí ý tưởng viết bài mới là điều thường xuyên xảy ra. Bạn nhận ra dường như mọi ý tưởng của bạn đã viết ra hết rồi. Bạn tự hỏi còn gì để viết nữa đây ?

Chính vì vậy, những chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn không bao giờ cạn kiệt ý tưởng để viết bài:

Nghĩ Về Bài Viết Của Bạn Trong Những Công Việc Hàng Ngày

Điều này rất quan trọng, nó giúp cho tâm trí của bạn được giải phóng và những ý tưởng mới sẽ nhanh chóng hiện lên trong đầu bạn.

Cuộc sống chúng ta luôn luôn bận rộn với cơm, áo, gạo tiền. Chính vì vậy, bạn hãy tận dụng những lúc bận rộn của mình để hình thành ý tưởng mới. Ngay sau khi ý tưởng mới xuất hiện, hãy lấy điện thoại, mở phần ghi chú và ghi lại nó, bạn đã có một ý tưởng cho bài viết mới của mình rồi đó.

Thường xuyên nghĩ về những gì bạn đang viết khi đi dạo, nấu cơm, rửa bát. Khi bạn trả lời các bình luận trên blog của mình hay khi bạn đọc các bình luận trên các hội nhóm. Bởi tâm trí bạn sẽ xuất hiện nhiều ý tưởng tuyệt vời trong những thời điểm như vậy.

Hoặc với mỗi ngày mới, bạn hãy ghi xuống nhật ký làm việc 5 điều tâm đắc nhất cho các bài đăng trên blog. Hãy ghi xuống cho dù nó có ý nghĩa hay không, hãy cứ làm nó hàng ngày. 

Ví dụ: bạn đang viết một bài về đánh giá xe HonDa CRV bạn ghi xuống 10 điều tâm đắc về dòng xe này như sau: ghế bọc da thoáng khí, kính chắn gió trong suốt, gương chiếu hậu góc rộng, động cơ êm ái, tiết kiệm xăng,… 

Như vậy, mỗi điều này gần như bạn có thể viết một bài mới về nó. Đó là cách bạn tạo ra một chuỗi những ý tưởng khác nhau cho cùng một chủ đề. Bạn sẽ không bao giờ cạn kiệt nguồn ý tưởng của mình. Bạn luôn luôn có nhiều điều để viết dựa trên 3 ý tưởng chủ đạo sau:

Vấn đề của độc giả

Hãy trả lời câu hỏi:

Vấn đề gì độc giả của bạn đang gặp phải ? Nỗi đau lớn nhất của họ là gì ? 

Hoặc bạn có thể vào các forum, hội nhóm trong thị trường của bạn, sau đó lướt status, các comment bạn sẽ tìm thấy rất nhiều những câu hỏi mà độc giả đang thèm khát được sự trợ giúp từ bạn.

Đó là cách giúp bạn có hàng ngàn ý tưởng phù hợp với nhu cầu độc giả của bạn.

Mục tiêu của độc giả là gì

Hãy trả lời câu hỏi: Người đọc lý tưởng muốn đạt được điều gì ? Làm thế nào bạn có thể giúp họ đạt được ước mơ đó ?

Hãy trở thành người cố vấn cho độc giả, giúp họ đạt được mục tiêu và truyền cảm hứng cho họ đạt được ước mơ của mình.

Trả lời các câu hỏi của độc giả

Đây là cách dễ nhất để tìm những ý tưởng mới cho bài viết.

Hãy trả lời câu hỏi như:

  • Vấn đề gì ?
  • Cái gì ?
  • Bạn có phải ?
  • Làm sao ?
  • Khi nào ?
  • Làm cách nào ?
  • Ở đâu ?
  • Ai ?
  • Tại sao ?
  • Sản phẩm dịch vụ này giải quyết vấn đề gì ?
  • Làm thế nào để sản phẩm dịch vụ đó cải thiện cuộc sống của mọi người ?
  • Các tính năng và lợi ích là gì ?
  • Sản phẩm hoặc dịch vụ hoạt động như thế nào ?
  • Tại sao mọi người lại tin lời rao bán hàng của bạn ? Bằng chứng xác thực của bạn là gì ?
  • Mọi người có phản đối khi mua hàng không ?
  • Mọi người có câu hỏi nào có thể ngăn cản họ nhấn nút mua hàng ?

Dưới đây là 3 công cụ để biết chính xác những câu hỏi nào độc giả đang tìm kiếm:

  • google.com
  • answerthepublic.com
  • ahrefs.com

Tất nhiên có nhiều công cụ khác nữa. Tuy nhiên đây là 2 công cụ đơn giản, dễ sử dụng. Bạn chỉ cần sử dụng 2 công cụ này là hoàn toàn có thể tạo ra nhiều ý tưởng mới cho mình.

3. Hai phương pháp lập dàn ý

Có thể bạn thích phong cách viết tự do. Nhưng đừng quên, lập dàn ý cũng là cách để bài viết của bạn không rời rạc, nó giúp câu chuyện của bạn có chiều sâu hơn.

Do đó, lập dàn ý là cách tốt để bạn trúc nội dung trước khi viết.

Một dàn ý tốt sẽ giúp bạn quyết định phần nào bạn sẽ thêm vào nội dung và phần nào bạn sẽ bỏ qua. Bạn dễ dàng lôi kéo người đọc vì bạn đã sắp xếp được các ý tưởng theo trình tự để tạo ra một dòng chảy hợp lý. 

Lập dàn ý giúp bạn viết nhanh hơn vì tránh mất thời gian viết các đoạn văn mà bạn cần xóa sau đó vì chúng thừa thãi.

Dàn ý giống như một hướng dẫn, nó giúp bạn định hướng viết. Tuy nhiên, trong quá trình viết bạn vẫn có thể quay lại chỉnh sửa đề cương ban đầu để giúp cho bài viết của mình đi đúng hướng và mục tiêu ban đầu. 

Sau đây tôi sẽ chia sẻ cho bạn 2 phương pháp lập dàn ý đơn giản dễ sử dụng:

Gạch đầu dòng

Đây là phương pháp đơn giản nhất để lập dàn ý. Mỗi gạch đầu dòng thể hiện một phần nội dung của bạn. 

Bạn cần trả lời 3 câu hỏi: Đây là cái gì ? Tại sao phải làm nó ? Làm nó như thế nào ? Sau đó hãy ghi ra dàn ý của bạn dựa trên 3 câu hỏi này.

Ví dụ: bạn cần lập dàn ý cho một bài viết “Bật Mí Cách Trang Điểm Xinh Như Hotgirl Chỉ Trong 5 Phút

Vậy thì dàn ý sẽ cơ bản như sau:

  • Tại sao phải trang điểm nhanh ?
  • Những điều cần lưu ý khi trang điểm.
  • Phương pháp trang điểm nhanh trong 5 phút.
  • Hãy xinh theo cách của bạn.

Đặt câu hỏi

Viết là bạn đang độc thoại một – một. Nhưng người viết tốt phải biến nó thành cuộc đối thoại 2 chiều. Điều này đúng với bất kỳ loại nội dung nào, cho dù nó là loại nội dung giáo dục, truyền cảm hứng hay bán hàng.

Do đó, chuyển dàn ý thành một danh sách các câu hỏi bạn sẽ nhanh chóng tạo ra một dàn ý có tính kể chuyện.

Ví dụ trong bài viết động từ mạnh, tôi lập dàn ý như sau:

  • Tại sao động từ mạnh lại quan trọng ?
  • Động từ mạnh là gì ?
  • Sự khác nhau giữa động từ mạnh và động từ yếu là gì ?
  • Có thể chuyển đổi động từ yếu thành động từ mạnh không ?
  • Sử dụng động từ mạnh ở đâu ?
  • Ví dụ động từ mạnh như thế nào ?

Về cơ bản đối với bài viết chia sẻ thông tin bạn cần trả lời câu hỏi Tại sao ? Cái gì ? Làm như thế nào ? Điều gì đang ngăn cản việc làm đó ?. Đối với bài viết bán hàng bạn cần trả lời câu hỏi Đó là cái gì ? Tại sao độc giả quan tâm đến nó ? Nó hoạt động như thế nào ? Tại sao độc giả có thể tin tưởng bạn ? Người khác nói gì về bạn ? Ưu đãi của bạn là gì ?

Hãy đặt mình vào vị trí khách hàng và tưởng tượng xem họ sẽ đặt những câu hỏi nào về sản phẩm/ dịch vụ của bạn?

4. Viết bản nháp đầu tiên

Với nhiều người thì hoàn thành bản nháp đầu tiên thực sự khó khăn và chiếm quá nhiều thời gian. Khi viết bản nháp đầu tiên bạn phải đối mặt với sự không chắc chắn, tất cả ý tưởng của chúng ta đều diễn ra theo một cách không mong đợi. Đó là lý do khiến bạn sợ xuất bản những bài viết kém chất lượng

Thông thường, quy trình tạo bản nháp có trình tự như sau:

  • Tìm hiểu, phân tích và tổng hợp thông tin về ý tưởng bài viết mới.
  • Lập dàn ý trước khi bắt đầu viết để biết chính xác nội dung nào cần thêm vào bài viết.

Việc tuân thủ quy trình và cấu trúc nội dung định sẵn giúp bạn viết nhanh hơn và có thể không phải chỉnh sửa nhiều. 

Bạn có thể sử dụng 1 trong 3 phương pháp lập dàn ý ở phần trước để viết ra bản nháp đầu tiên của mình. Và dưới đây là nguyên lý giúp bạn nhanh chóng tạo ra được bản nháp của mình mà vẫn giữ được sự sáng tạo nội dung:

  • Xác định ý tưởng lớn của bài viết bằng cách trả lời câu hỏi – bạn viết về vấn đề gì ?
  • Viết ra các suy nghĩ của bạn từ ý tưởng lớn đó.
  • Đặt đồng hồ Pomodoro theo khe thời gian 25 phút. Sau đó phát triển từng ý tưởng bạn đã liệt kê trước đó.
  • Vượt qua tâm lý cầu toàn, nhanh chóng hoàn thành bản nháp đầu tiên.
  • Nếu bạn đang bị bế tắc về câu từ thì hãy viết bất cứ điều gì ra cho dù đó là những câu văn vô nghĩa. Bởi đây là cách thúc đẩy bộ não của bạn hoạt động sáng tạo hơn.

Chỉnh sửa bản nháp đầu tiên

Để chỉnh sửa bản nháp đầu tiên trở nên sáng bóng, bạn đừng tập trung tâm trí vào những gì sai sót trong bản nháp. Thay vào đó, hãy tìm những điểm hay, điểm tốt trong từng câu từng chữ của bạn.

Sau đó, đọc nhanh bản nháp và cố gắng:

  • Tìm xem lợi ích lớn nhất mà độc giả nhận được từ bạn là gì?
  • Xem xét nội dung hiện đang giải quyết những vấn đề cốt lõi nào ?
  • Điều gì trong nội dung đó gây ngạc nhiên cho độc giả ?

Cuối cùng, chỉnh sửa câu văn dựa trên những điểm sáng của bài viết nháp đó.

Bây giờ là quy trình 5 bước sửa đổi bản nháp đầu tiên:

Bước 1: Xác định lại ý tưởng chủ đạo

Hãy trả lời những câu hỏi sau đây để xác định lại ý tưởng chính cho bài viết:

  • Ý tưởng chính của bạn có giải quyết một vấn đề nào cho độc giả không ?
  • Độc giả nhận được lợi ích gì không ?
  • Bạn mong đợi người đọc thực hiện hành động nào cụ thể ?
  • Lý do lớn nhất nào giúp bạn thuyết phục người đọc thực hiện hành động đó ?
  • Tại sao bài viết này lại quan trọng đối với bạn ?
  • Điều gì gây ngạc nhiên nhất, thú vị nhất trong bản nháp này ?
  • Điều gì hấp dẫn nhất trong phần nội dung này ?

Ý tưởng chính nên tập trung vào một vấn đề mà độc giả đang đau khổ hoặc một mục tiêu mà họ muốn đạt được.

Bước 2: Định hình rõ nội dung

Hành trình của người đọc trên nội dung phụ thuộc vào thứ tự hợp lý của các đoạn văn.

Do đó, bạn cần đánh giá xem những đoạn văn nào là chính? Những phần nào bị thừa ? Bạn có bị thiếu bằng chứng xác thực nào không ?

Nếu nội dung của bạn là một mớ hỗn độn, lộn xộn thì hãy quay lại xác định thông điệp chính của bài viết và chỉnh sửa lại dàn ý dựa trên thông điệp chính đó. Tiếp đến, hãy xem lại những đoạn nào bạn cần viết và đoạn nào bạn cần bổ sung thêm ý tưởng.

Nếu bạn thấy các đoạn văn bị thừa, thì bạn có thể bôi màu đánh dấu chứ đừng xóa chúng đi vì có thể sau này bạn sẽ sử dụng lại trong một phần khác.

Bước 3: Bổ sung thêm nội dung chất lượng

Bạn phải hiểu rằng, bản nháp đầu tiên thường dài, chứa nhiều nội dung thừa thãi. Do đó, trong hai bước sửa đổi đầu tiên có thể bạn đã lược bớt những nội dung khó hiểu để tập trung vào ý tưởng chính của bài viết. 

Ở bước 3 này, bạn có thể phát triển thêm ý tưởng nếu cần. Bạn hãy mạnh dạn thêm nội dung để làm rõ và đưa ra những minh họa chứng minh cho thông điệp của mình nhằm tăng sức thuyết phục độc giả, đó có thể là: các ví dụ, các nghiên cứu của một tổ chức nào đó, hoặc các trích dẫn từ cơ quan chức năng. Đối với bài viết bán hàng thì nội dung có thể là chi tiết cụ thể về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn hoặc những lời chứng thực giải thích cách sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn đã thay đổi cuộc sống của khách hàng.

Nhớ rằng, hãy tạo ra sự độc đáo cho nội dung bài viết ở ngay bước này bằng cách thêm các ví dụ, các phép ẩn dụ hoặc chia sẻ câu chuyện mà chỉ bạn mới có thể kể.

Bước 4: Chỉnh sửa câu văn

Đây là bước giúp bạn thắt chặt câu văn, tạo ra sự trải nghiệm đọc mượt mà và thú vị. Từ đó làm cho lời nói của bạn có trọng lượng hơn và đảm bảo rằng bạn sẽ truyền đi một thông điệp của mình với độ chính xác xuyên suốt.

Bạn nên thực hiện chỉnh sửa theo những tiêu chí sau:

  • Giảm độ dài câu văn bằng cách rút gọn và cắt ngắn câu dài thành 2 hoặc 3 câu ngắn.
  • Thay thế các từ yếu bằng từ mạnh hơn.
  • Sử dụng từ cảm xúc để kết nối với độc giả.
  • Loại bỏ những từ yếu, từ thừa, từ không cần thiết.
  • Đọc to nội dung của bạn để tạo nhịp điệu.
  • Sử dụng từ chuyển tiếp để tạo sự mượt mà.

Bước 5: Hiệu chỉnh lần cuối

Sau khi hoàn thành bước 4, thì bước 5 này được sử dụng để kiểm tra lỗi chính tả. 

Bạn làm như sau:

  • Đọc ngược bài viết của bạn từ cuối lên ( đọc to rõ ràng) – cách này là tốt nhất để bạn phát hiện lỗi chính tả.
  • Nếu bạn viết trong word có thể sử dụng trình kiểm tra lỗi chính tả.
  • Hãy nhờ người khác đọc lại bài viết của bạn 1 lần trước khi xuất bản.

Làm thế nào để tối ưu hóa thời gian sửa đổi ?

Đôi khi bạn cảm thấy mất quá nhiều thời gian để chỉnh sửa một bản nháp. Bạn mất kiên nhẫn. Nhưng may mắn là bạn có thể rút ngắn thời gian chỉnh sửa bằng cách trả lời những câu hỏi sau:

  • Nội dung bài viết có lan man không ?

Tập trung vào thông điệp chính bạn muốn truyền đạt và      mạnh dạn cắt bỏ những câu không hướng đến mục tiêu đó của bạn.

  • Bài viết có quá ngắn không ?

Tìm cách thêm nhiều nội dung hơn. Chẳng hạn thêm các ví dụ, các trích dẫn, các câu chuyện nhỏ ( bạn sẽ thấy trong noidunglavua.com tôi thường xuyên làm việc này).

  • Câu văn của bạn quá dài không ?

Hãy rút ngắn câu theo hướng dẫn sau (https://noidunglavua.com/rut-gon-cau/).

  • Bạn có sử dụng quá nhiều từ sáo rỗng ?

Tập trung vào lựa chọn những từ có nghĩa.

  • Có nhiều lỗi chính tả không ?