Chương 1: Tư duy viết tích cực

Sự trì hoãn là một trong những yếu tố làm cho các dự án viết của bạn chậm tiến độ. 

Đôi khi bạn đổ lỗi rằng bạn thiếu tính kỷ luật hay bạn không có cảm xúc để viết bài. Nhưng sự thật, sự trì hoãn không hề liên quan gì đến tính kỷ luật. Mà nguyên nhân sâu xa là do bạn đã không thiết lập được một tư duy viết tích cực, không nuôi dưỡng được những thói quen viết tốt để giúp bạn nhanh chóng hoàn thành bài viết.

Do đó, trong Phần I này bạn sẽ được học cách nuôi dưỡng tư duy viết tích cực giúp cho tinh thần luôn hưng phấn mỗi khi đặt tay lên bàn phím.

1. Giữ sự tập trung

Điều đầu tiên tạo nên một bài viết xuất sắc là bạn phải “giữ sự tập trung” cao độ.

Nhớ rằng, mọi thứ được kiến tạo ở trong tâm trí của bạn trước. Vì vậy, bằng việc quyết định cài đặt tâm trí, loại bỏ sự trì hoãn, giữ sự tập trung cao độ thì bạn mới nhanh chóng bắt đầu những dòng đầu tiên.

Có 2 lý do tác động đến sự tập trung của bạn:

Từ ngoại cảnh: vì một lý do nào đó, chúng ta luôn trì hoãn việc viết. Thay vì bắt tay vào công việc viết chúng ta lại lướt facebook, duyệt web đọc báo, check email, xem instagram, kiểm tra tin nhắn,… Những việc này sẽ làm bạn sao nhãng và trì hoãn viết.

Từ chính bản thân bạn: có thể bạn đã loại bỏ được các yếu tố ngoại cảnh tác động rồi và bắt đầu viết. Nhưng bạn muốn những câu chữ mình viết ra phải thật hoàn hảo. Bạn lại tiếp tục trì hoãn. 

Vậy có bao giờ bạn tự hỏi tại sao nhiều người có thể thường xuyên xuất bản các bài viết mới, còn những người khác lại không thể? Có phải họ kỷ luật hay họ hoàn hảo hơn những người khác ?

Chắc chắn là không phải thế.

Đó là vì họ đã học cách loại bỏ những trở ngại ngăn cản và làm họ mất tập trung.

Trong thực tế, chúng ta đều biết rằng, giữ sự tập trung cao độ là điều kiện tiên quyết của một vận động viên thể thao chuyên nghiệp trước những trận đấu lớn. Các vận động viên phải chuẩn bị khởi động cho màn trình diễn sắp tới của mình. Họ phải học cách thư giãn và tập trung. Họ tin tưởng vào bản thân và vượt qua những trở ngại tâm lý. Đây là cách họ phát huy hết tiềm năng của mình.

Viết cũng vậy, bạn phải có giai đoạn chuẩn bị trước khi viết, học cách tập trung và gạt đi những sự việc đang diễn ra xung quanh và những câu chuyện nhảm nhí trong tâm trí bạn.

Làm nó như thế nào?

Sau đây là các kỹ thuật để xây dựng sự tập trung:

  • Ngay trước khi ngồi vào bàn làm việc hãy tắt hoặc chuyển điện thoại sang chế độ máy bay và để điện thoại ra khỏi tầm nhìn của bạn. Sau đó, bật máy tính lên và chặn hết các trang tin tức từ trình duyệt web của bạn. Vì những thứ này khiến bạn sao nhãng việc viết chứ không hề liên quan gì đến ý chí của bạn. 
  • Sau khi loại bỏ những yếu tố ngoại cảnh tác động bạn hãy cài đặt tâm trí vào trạng thái sẵn sàng viết bằng cách sử dụng phương pháp tự kỷ ám thị. Hãy nói to, rõ ràng và lặp lại 10 lần câu “ Tôi phải viết bài này ngay bây giờ”. Khi bạn nói câu này sẽ giúp bạn buông bỏ những thứ không phải là ưu tiên của mình.
  • Bạn có thể sử dụng tai nghe chuyên dụng loại bỏ tiếng ồn xung quanh để giữ sự tập trung cao độ cho mình.

2. Tăng niềm tin

Phải thừa nhận rằng, ngày còn học phổ điểm văn của tôi rất kém – thậm chí còn có thể nói là dốt văn. Và trong suốt thời gian làm việc cho các doanh nghiệp, mỗi khi phải viết văn bản dường như là một cực hình đối với tôi. Vì thế, bản thân tôi chưa bao giờ tin tưởng vào khả năng viết của mình. Tôi luôn nghĩ rằng những gì tôi viết ra sẽ không ai muốn đọc.

Nhưng khi vào đầu những năm 30 tuổi. Tôi bắt đầu học viết, tôi tìm đọc tất cả các loại sách rèn luyện tư duy viết, tôi xây dựng blog, website để kinh doanh online và làm tiếp thị liên kết. Tự học viết bài chạy quảng cáo facebook và google để bán hàng online. Và tôi nhận thấy rằng muốn viết tốt cũng không khó như mình tưởng tượng.

Và bạn biết đấy, khi đã 35 tuổi tôi mới bắt đầu viết blog NoiDungLaVua.com. Tôi đã xây dựng được một lượng người đọc trung thành. Qua blog này, tôi chia sẻ cho độc giả của mình tư duy cũng như những công thức viết đơn giản. 

Như vậy, rõ ràng là nếu tôi vẫn tin rằng tôi không thể viết tốt thì cũng không có blog noidunglavua.com như ngày hôm nay.

Điều đó chứng tỏ, những câu chuyện tiêu cực trong quá khứ sẽ ảnh hưởng đến niềm tin hiện tại của bạn. Tiềm thức luôn nói với bạn rằng: bạn không thể làm được, bạn không thể viết để chia sẻ kiến thức chuyên gia của mình. Những thành kiến xấu này sẽ luôn đeo bám và cản bước thành công của bạn.

Trong viết lách, nếu bạn nghĩ rằng bạn không thể viết tốt, thì bạn sẽ đưa ra mọi lý do để biện minh cho rằng bạn không giỏi viết. Do đó, khi viết những bài đầu tiên, bạn sẽ tự nhủ: “ ồ mình đúng là một nhà văn tệ hại”. Bạn nghiễm nhiên nhận về mình những nhận xét tiêu cực. Bạn chú ý đến tất cả các lỗi viết của mình và không nhìn ra bất cứ điều gì tốt đẹp trong bài viết của mình cả.

Như vậy, nếu bạn muốn viết nhanh hơn và giỏi hơn, trước tiên bạn phải có niềm tin vào bản thân mình.

Ngay bây giờ, tôi sẽ chia sẻ cho bạn cách sử dụng nhật ký làm việc để bạn có thể đạt được tiềm năng của mình. Từ đó, bạn sẽ tin tưởng vào bản thân mình hơn.

  • Viết ra những công việc phải làm: vào đầu mỗi ngày, hãy viết ra những công việc sẽ làm cho ngày làm việc của bạn trở nên hiệu quả nhất( ví dụ: hoàn thành đoạn mở đầu, viết đủ 500 từ hay hoàn thành xong đoạn kết của bài viết này,…). Và đến cuối ngày bạn hãy đánh giá lại, xem xét những gì bạn hoàn thành hoặc chưa hoàn thành để điều chỉnh danh sách việc cần làm vào ngày hôm sau.
  • Cất hết những vật dụng trên bàn làm việc không liên quan đến công việc viết lách của bạn: việc này vô cùng quan trọng vì nó làm bạn bị phân tâm khi đang viết bài.
  • Viết một lời khẳng định tích cực: những lời khẳng định tích cực giúp bộ não bộ của bạn tích cực hơn. 

Thường xuyên nhắc nhở bản thân về những điều này, viết nó xuống nhật ký làm việc hàng ngày thì bạn sẽ biến niềm tin đó thành hành động thực tế.

Tuy nhiên, bạn nên nhắc nhở tiềm thức của mình bằng những lời khẳng định nằm ngoài vùng an toàn một chút để bạn có đủ niềm tin hoàn thành. Chẳng hạn, bạn đang viết 1 bài/tuần thì bạn có thể viết xuống lời khẳng định là “tôi muốn xuất bản 2 bài mỗi tuần” nhưng nếu bạn nói “tôi muốn xuất bản 10 hay 20 bài mỗi tuần” thì đó là điều phi thực tế, bạn không thể hoàn thành nó dẫn đến mất niềm tin vào chính mình.

Vậy nguyên tắc ở đây là gì ?

Đó là ngay khi bạn vừa viết ra những lời khẳng định thì bạn đã có cảm giác mình sẽ hoàn thành nó (cảm giác có thể hoàn thành cũng là một cảm giác tích cực). Đừng viết những thứ quá viển vông, phi thực tế.

Đây là phương pháp tăng cường niềm tin mà tôi áp dụng dựa trên bí mật của Luật hấp dẫn. Bạn có thể tìm thấy nó trong cuốn sách “the Magic của tác giả Rhonda Byrne”. Tiết lộ cho bạn biết một bí mật là cuốn sách này không chỉ áp dụng được trong lĩnh vực viết mà nó còn áp dụng được trong bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống. Bạn có thể tìm mua nó ở hiệu sách hoặc mua online theo đường dẫn này.

3. Kiểm soát quá trình sáng tạo

Có bao giờ bạn nghĩ rằng nội dung của mình thật tẻ nhạt?

Bạn thường có cảm giác không hài lòng với hầu hết các bài viết của mình, thậm chí bạn chán ghét nó?

Bạn tự hỏi mình rằng tại sao lại lãng phí thời gian viết một bài chia sẻ thông tin những không ai đọc nó?

Và có thể là đã hơn một lần bạn cố gắng vượt qua cảm giác tiêu cực của mình để viết. Nhưng khi bạn viết thêm một vài dòng nữa thôi bạn cảm thấy dường như đang tham gia một trận chiến lớn. Cuối cùng, bạn bỏ cuộc.

Như vậy, vấn đề ở đây là những suy nghĩ trong nội tâm dường như đã phá hỏng niềm vui viết lách của bạn.

Đúng không nào ?

Vậy thì thay vì phải tiêu tốn năng lượng để chiến đấu với những suy nghĩ trong tâm trí, tại sao bạn không sử dụng nguồn năng lượng quý giá đó để viết ?

Làm thế nào có thể kiểm soát được quá trình sáng tạo nội dung cho dù bạn đang vướng bận bởi những lời chỉ trích nội tâm của mình ? 

Cách duy nhất là: Hãy sống vui vẻ cùng với những chỉ trích tiêu cực trong tâm trí bạn.

Thực tế là những tiếng nói tiêu cực luôn ở trong tâm trí bạn suốt quá trình viết bài. Nhưng khi bạn hiểu được tại sao tâm trí của bạn hay chỉ trích, hay cằn nhằn thì bạn sẽ học được cách sống vui vẻ cùng với nó. Bạn sẽ cảm thấy bình yên hơn khi viết và bạn sẽ viết nhanh hơn.

Đôi khi bạn nhìn xung quanh mình và tự hỏi: tại sao người khác viết dễ dàng như vậy ? Tại sao họ lại xây dựng được doanh nghiệp online của mình phát triển còn bạn thì không thể ? Làm thế nào họ có thể xuất bản một bài viết thu hút người đọc đến vậy ?

Đơn giản là vì họ biết cách sống hòa thuận cùng những chỉ trích nội tâm của mình.

Sau đây tôi sẽ chia sẻ với bạn cách để bạn giảm nhẹ gánh nặng trong tâm hồn mình và bạn có thể tự tin hơn để viết:

  • Trước khi ngồi vào bàn làm việc, bạn hãy cầm theo một ly trà nóng, sau đó đứng trước gương. Hãy nhìn thẳng vào đôi mắt bạn phản chiếu trong gương, mỉm cười và nói với chính bạn bất cứ một câu chuyện vui nào mà bạn có thể nghĩ ra. Điều này sẽ giúp bạn cài đặt năng lượng tích cực khi bắt đầu công việc.
  • Trong khi viết, bạn cảm thấy một câu nào đó thật vô nghĩa, nhàm chán, dài dòng, không đúng cấu trúc ngữ pháp,… thì đừng dừng lại mà hãy tiếp tục viết tiếp. Hãy phớt lờ ý nghĩ rằng mình đang viết không tốt. Đừng dừng lại chỉnh sửa nó mà hãy hoàn thành bài viết của mình cho đến câu cuối cùng. Sau đó, đứng lên ra ngoài đi dạo khoảng 10 phút sau thì quay lại. Bạn bắt đầu đọc lại và chỉnh sửa nó. Bạn sẽ ngạc nhiên sau mỗi lần đọc lại và chỉnh sửa thì bài viết của bạn sẽ tốt hơn, rõ ràng và súc tích hơn.
  • Phủ định lại tất cả các ý nghĩ tiêu cực: Ví dụ như thay vì nghĩ “bài viết này của mình không đủ tốt để xuất bản nó” hãy nhận thấy một điều rằng bạn đã dành rất nhiều thời gian cho việc chỉnh sửa bài viết của mình, và mình đã làm tốt nhất cho nó rồi. Thay vì nghĩ rằng “ mình không phải người sáng tạo” hãy nhớ về những gì mà bạn đã viết trong ngày hôm qua hoặc trong tuần này. Bạn từng xuất bản một bài mới. Đó chính là sự sáng tạo.

4. Đừng sợ hãi nữa, cứ viết đi

Khi nhìn vào những người khác bạn tự hỏi: Tại sao họ lại tự tin đến vậy ? Tại sao họ có thể chia sẻ những quan điểm của mình trên blog mà không hề sợ hãi ? Tại sao họ dũng cảm tung ra những cuốn sách, ebook một cách đầy tự tin như vậy ?

Và bạn tự hỏi tại sao mình không thể giống như vậy ?

Phải không ?

Sự thật là chúng ta thường không nhìn thấy nỗi sợ hãi của người khác. Vì khi nhìn từ bên ngoài, họ có thể trông rất tự tin. Nhưng tiềm thức họ vẫn tồn tại một nỗi sợ hãi nào đó. Và điểm mấu chốt ở đây chính là họ đã học được cách VIẾT BẤT CHẤP NỖI SỢ HÃI trong bản thân họ.

Sợ hãi không phải là dấu hiệu cho thấy bạn là một người không thể viết tốt. Ngược lại, đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang làm một điều gì đó mới mẻ và thú vị. Vì nó mới mẻ và bạn chưa làm bao giờ nên bạn mới sợ hãi. Vậy nên, bạn không cần phải chiến đấu lại nỗi sợ hãi của mình mà hãy học cách quản lý nó. 

Bạn phải hiểu rằng viết là quá trình sáng tạo cái mới và xuất bản nó để người khác đánh giá. Do đó, tiềm thức của bạn tự động xuất hiện nỗi sợ hãi. 

Khi viết, hầu hết nỗi sợ hãi sẽ thuộc về hai loại:

  • Lo sợ về khả năng của chính mình: Tôi có tài năng không ? Tôi có viết quá chậm không ? Tại sao những người khác tốt hơn tôi ?
  • Sợ hãi về sự đánh giá của người khác: điều gì xảy ra nếu tôi nhận được những lời bình luận không hay ? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi viết không tốt ?

Vì thế, để viết tốt bạn phải học cách sống chung cùng nỗi sợ hãi của bản thân mình. Bạn phải lấy hết can đảm để tiến về phía trước bất chấp nỗi sợ hãi đó.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể xây dựng lòng can đảm để đối mặt với nỗi sợ hãi viết ?

Rất đơn giản là bạn hãy sử dụng nguyên tắc “chia để trị” nhằm nuôi dưỡng thói quen viết và tự tạo động lực cho bản thân mình. Hãy kết hợp các bước nhỏ với những cam kết cụ thể, khi đó “chia để trị” sẽ trở thành một chiến thuật mạnh mẽ để vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua sự trì hoãn và tránh lãng phí thời gian.

Do đó, ngay khi bắt đầu một bài viết mới:

  • Bạn hãy ngồi xuống và chia nhỏ bài viết ra thành càng nhiều ý nhỏ càng tốt. Sau đó, bạn đưa ra cam kết cụ thể cho ngày hôm sau là bạn sẽ hoàn thành bao nhiêu ý nhỏ trong đó.
  • Thay vì thói quen phải bắt đầu từ đoạn mở đầu như thường lệ. Bạn hãy bắt đầu viết bất cứ điều gì bạn đang có cảm hứng nhất: đó có thể là ý tưởng ở phần thân bài, hoặc kết bài, đó có thể là một ví dụ nhằm minh chứng cho luận điểm của bạn,… hãy nhanh chóng viết xuống và cố gắng hoàn thành để chế ngự cảm giác sợ hãi và tăng sự tự tin cho mình.

5. Bạn là một phiên bản hoàn toàn khác

Tôi biết rằng đôi khi bạn đọc bài viết của các blogger bạn yêu thích, bạn có cảm giác hụt hẫng. Bạn tự hỏi:

Tại sao họ có thể viết tốt như vậy ? Tại sao họ lại thu hút nhiều độc giả đến vậy ? 

Cuối cùng, bạn so sánh bản thân mình với họ và bạn có đôi chút ghen tị về thành quả mà họ đạt được.

Thành thật mà nói, khi tôi bắt đầu học viết tôi cũng như vậy. 

Nhưng sau này, tôi nhận ra rằng, nếu muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp viết, muốn lan tỏa giá trị của mình cho khách hàng thì chúng ra hãy ngừng so sánh bản thân với người khác. Thay vào đó, hãy so sánh bạn của ngày hôm nay với bạn của ngày hôm qua. Bạn có tiến bộ hơn không ? Bạn có khác biệt hơn không ?

Hãy nhớ rằng, nếu bạn càng so sánh thì bạn càng cảm thấy mình thiếu tài năng viết. Càng so sánh bạn càng nghĩ rằng bài viết của mình không bao giờ đủ tốt.

Để loại bỏ tâm lý so sánh bản thân mình với người khác. Bạn có thể áp dụng phương pháp sau:

Công thức hóa kỹ thuật viết

Công thức hóa kỹ thuật viết có nghĩa là bạn đọc bài viết của blogger khác. Sau đó, phân tích kỹ thuật viết của họ và áp dụng vào bài viết của bạn để trở nên tốt hơn. 

Khi tập trung tìm hiểu các công thức viết, bạn sẽ ngừng so sánh xem bài viết của ai hay hơn. Bạn chỉ đơn giản là xem xét cách họ sử dụng từ ngữ: động từ, tính từ, danh từ,… từ nào nên giữ, từ nào có thể loại bỏ bớt để thu hút sự chú ý từ độc giả. Sau đó, bạn từ xây dựng một cấu trúc câu, một công thức viết cho riêng mình và áp dụng trực tiếp vào bài viết của mình.

Bạn có thể thấy, trong NoiDungLaVua.com, tôi cũng tự xây dựng rất nhiều công thức viết, đó là kết quả của quá trình tôi phân tích những bài viết hay. Và đây cũng chính là bí mật để bạn có thể sáng tạo ra những nội dung khác biệt cho bài viết của mình.

Không ngừng học hỏi

Bạn và tôi đều làm công việc sáng tạo nội dung. Vì thế, không ngừng học hỏi giúp chúng ta ngừng so sánh bản thân mình với những người khác để viết tốt hơn.

Không ngừng học hỏi sẽ giúp bạn sao chép các kỹ thuật viết đỉnh cao từ những người giỏi. Sau đó, thêm dấu ấn riêng và phong cách cá nhân của bạn để tạo ra một tác phẩm của riêng mình. Đó chính là sự sáng tạo và nó hoàn toàn khác biệt với việc đạo văn.

Bạn có thể tham khảo ebook ( Nội Dung Khác Biệt – Tiêu Diệt Khách Hàng) để biết cách tạo dấu ấn cá nhân và phong cách viết cho mình.

Cách đơn giản nhất để tăng sự sáng tạo thông qua việc không ngừng học hỏi là bạn hãy theo dõi blog, website, facebook của những người bạn mến mộ. Sau đó, bắt chước kỹ thuật viết. Thêm giọng văn và phong cách cá nhân của bạn vào trong đó. Bạn sẽ trở thành phiên bản hoàn toàn khác biệt.

Đừng đánh giá bản thân mình quá thấp

Tự đánh giá bản thân mình sẽ làm bạn trở nên tự ti. Bởi trong quá trình học viết chúng ta luôn đánh giá mình không đủ tốt, chúng ta thường không hài lòng với bản thân mình.

Điều đó khiến chúng ta luôn cảm thấy bất an và làm giảm khả năng học hỏi những kỹ thuật viết mới.

Vì thế, hãy nâng cao năng lực bản thân thay vì tự cho mình là yếu kém. Hãy tự nói với bản thân rằng “ mình đang làm tốt rồi, mình sẽ học hỏi để làm tốt hơn nữa”. Nó sẽ là liều thuốc tinh thần để giúp bạn nắm lấy nhiều cơ hội hơn để học hỏi.

6. Cầu toàn giết chết sự sáng tạo

Cầu toàn là một trong những yếu tố lớn nhất cản trở đến quá trình viết bài. Nếu loại bỏ được tính cầu toàn, bạn sẽ không còn cảm thấy mình phải đợi đến khi học hỏi được tất cả mọi kỹ thuật viết khác nhau thì mới bắt đầu một bài viết mới hay một blog cá nhân.

Cố gắng viết tốt hơn là một lý do chính đáng nhưng thiếu sự quyết đoán và quá cầu toàn sẽ ảnh hưởng đến bất kỳ giai đoạn nào của quá trình viết. 

Làm thế nào để biết chính xác bạn đang quá cầu toàn ?

Những gạch đầu dòng sau đây cho bạn biết chính xác điều đó:

  • Khó khăn chọn một ý tưởng bởi vì bạn không viết ý tưởng nào tốt nhất.
  • Vật lộn với bản phác thảo một bài viết bởi vì bạn muốn tạo ra hướng dẫn toàn diện nhất về chủ đề bạn chọn.
  • Cảm thấy bế tắc khi viết một trang bán hàng vì bạn không thể nghĩ ra tiêu đề hoàn hảo.
  • Tiếp tục trì hoãn viết một bản viết mới vì bạn muốn tìm hiểu thêm.
  • Không xuất bản một bài viết mới vì bạn cố gắng sửa đổi nó trở nên hoàn hảo.

Vì thế, để loại bỏ tính cầu toàn bạn hãy “viết thực dụng”.

Bằng cách nào ?

Sau đây là tư duy giúp bạn loại bỏ sự cầu toàn của mình:

  • Thay vì tìm kiếm ý tưởng mà bạn nghĩ là tốt nhất, hãy tập trung vào đọc giả của bạn. Tìm ra vấn đề họ đang gặp phải và đưa ra giải pháp xử lý vấn đề đó. Và đây chính là ý tưởng bạn cần phải viết.
  • Thay vì cố gắng hoàn thiện một bài viết dài, hãy chia sẻ cho độc giả của bạn 1 hoặc 2 lời khuyên giá trị nhất. Ấn nút xuất bản. Đó chính là động lực để ngay hôm sau bạn quay lại và chia sẻ thêm một vài lời khuyên khác mà bạn mới học được để hoàn thiện bài viết của mình.
  • Thay vì mất quá nhiều thời gian viết một tiêu đề hoàn hảo, bạn hãy viết tạm một tiêu đề mà trong đó chứa từ khóa chính. Hãy nhớ, bạn hoàn toàn có thể chỉnh sửa tiêu đề chính vào ngày hôm sau.
  • Nếu bạn đã mất cả ngày để tìm hiểu thông tin về một chủ đề mới những vẫn chưa đủ thông tin thì hãy bỏ qua nó và chuyển sang chủ đề khác.
  • Hãy loại bỏ tính trì hoãn bằng cách áp dụng những công thức mà bạn đã tự xây dựng theo cách mà tôi hướng dẫn ở mục số 1.
  • Đừng sửa chữa từng từ ngữ đơn lẻ mà hãy chỉnh sửa theo cả câu hoặc ý của cả đoạn văn.

Đó là cách giúp bạn loại bỏ tính cầu toàn của mình. Bạn sẽ thấy việc viết của mình trở nên hiệu quả hơn, tạo ra được nhiều nội dung tốt hơn và nhanh hơn.

Hãy nhớ điều này, quá cầu toàn sẽ làm bạn trì trệ và đó là một cái cớ để bạn không xuất bản bài viết cho dù đã hoàn thành.

Vì thế, thay vì đặt mục tiêu là xuất bản bài viết hoàn hảo thì bạn chỉ cần đặt ra tiêu chuẩn đủ tốt là được.

7. Tạo động lực để viết bài

Tại sao viết bài cũng cần phải có động lực ?

Đúng vậy. Viết là công việc đòi hỏi bạn dành hàng giờ đồng hồ ngồi trước màn hình máy tính, suy nghĩ và chia sẻ sự sáng tạo của mình qua chữ viết. Vì thế, động lực là điều cần thiết để giúp bạn hoàn thành tác phẩm của mình.

Nhưng thực tế thì một số lý do sau đây khiến bạn giảm động lực viết, như:

  • Không có ý tưởng để viết.
  • Có quá nhiều việc khác phải làm.
  • Quá mệt mỏi.
  • Cảm thấy chán nản.
  • Cho rằng mình viết không đủ tốt.

Và rất nhiều lý do khác nữa ngăn cản bạn sáng tạo nội dung.

Vì vậy, 2 công thức dưới đây sẽ giúp bạn tạo động lực viết cho bản thân mình.

Sử dụng công thức “ Tôi có thể nếu…”

Hầu hết mọi người đều tồn tại một lý do nào đó ngăn cản họ viết bài. Và chỉ với suy nghĩ rằng “Tôi không thể viết vì thiếu thời gian”, “ Tôi không thể viết vì tôi mệt” “ Tôi không thể viết vì tôi không đủ kỹ năng” thì bạn đã đóng cơ hội sáng tạo cho bài viết của mình. 

Do đó, ngay khi bạn nghĩ rằng bạn không thể viết thì bạn hãy thử nói to “ Tôi có thể viết nếu + [ràng buộc có thể kiểm soát được]

Ví dụ: “ Tôi có thể viết nếu bây giờ tôi uống nước” “ Tôi có thể viết nếu tôi nghĩ về mẹ tôi”,….

Dựa trên đam mê của bạn

Thường thì những thứ khơi gợi niềm vui viết lách và tạo được động lực mạnh mẽ cho bản thân bạn sẽ là những điều bạn yêu thích nhất hoặc ghét nhất.

Ví dụ: thứ tôi ghét khi viết bài là: Dùng các thủ thuật SEO (black-hat) nhằm qua mặt google để lên top. Còn thứ tôi yêu nhất: chính là dùng các kỹ thuật viết kết hợp nắm bắt tâm lý khách hàng để viết những bài viết trung thực và cho đi những giá trị lớn nhất, hữu ích nhất cho khách hàng của mình.

Như vậy, để tạo động lực viết cho bản thân mình thì bạn cần trả lời những câu hỏi sau:

  • Sở thích và niềm đam mê lớn nhất của bạn là gì ? (tham khảo ebook Nội Dung Khác Biệt – Tiêu Diệt Khách Hàng sẽ giúp bạn tìm ra đam mê của mình).
  • Điều gì khiến bạn ghét nhất, thất vọng nhất ?
  • Điều gì khiến bạn yêu nhất ?
  • Những giá trị nào là quan trọng nhất đối với bạn ?

Câu trả lời cho những câu hỏi trên là thứ tạo động lực mạnh mẽ cho bạn viết bài.